Học sinh nông thôn học giỏi hơn học sinh thành phố?

Học sinh nông thôn học giỏi hơn học sinh thành phố?

Học sinh nông thôn học giỏi hơn học sinh thành phố?

Theo kết quả điểm thi tuyển sinh mà các trường ĐH,CĐ công bố những năm gần đây, thủ khoa các trường hầu hết là học sinh nông thôn. Kết quả này đã gợi ra một vấn đề mà từ lâu đã gây khá nhiều tranh luận: phải chăng học sinh nông thôn học giỏi hơn học sinh thành phố?

Môi trường học tập ở thành phố tốt hơn nông thôn

"Ở thành phố thì đương nhiên điều kiện học tốt hơn nông thông nhiều” – Đây là lời chia sẻ của bạn Hồng Nhung (THPT Dân Lập Lomoloxop – Hải Dương). Bạn còn cho biết thêm về cơ sở vật chất của trường mà có lẽ là những lớp học “trong mơ” với học sinh nông thôn. Cơ sở vật chất của trường hơn hẳn các trường công lập khác vì đây là “trường dành cho người giàu” – bạn Ngọc Hưng (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hải Dương)



Học sinh thành phố với cơ sở vật chất đầy đủ (Nguồn: Internet)


Ngoài ra, cách giảng dạy ở các trường thành phố luôn luôn được đổi mới với phương pháp hiện đại: xây dựng giáo trình điện tử, nhà đa năng phục vụ các môn học thực hành như  máy chiếu, bộ dụng cụ thực hành môn Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, phòng máy tính phục vụ môn Tin học hay phòng chiếu phim cho môn Lịch sử, Tiếng Anh, Địa lý. Theo đó, với những môn học này, học sinh được thực hành nhiều hơn so với học sinh nông thôn điều kiện vật chất còn hạn chế.

Trong khi các em học sinh nông thôn vẫn phải học ở những ngôi trường làng nhỏ bé, cũ kĩ, tạm bợ, đặc biệt là các em thuộc các tỉnh nghèo, có khi cả huyện mới có một trường cấp 1, cấp 2, cấp 3. Với các em, được học trong một ngôi trường khang trang, đầy đủ bàn ghế, quạt, bảng đen đã là tốt lắm rồi.

Học sinh ở nông thôn thì ít có điều kiện được đi học thêm. Những buổi học ngoại khóa ở trường, những buổi “chạy sô” tới các trung tâm sau giờ học thì lại càng xa lạ, các em không có nhiều “bí quyết” thi cử được giáo viên hướng dẫn cho như học sinh thành phố. Tất cả hoàn toàn là tự học. “Những quyển sách tham khảo cũ nát được truyền từ đời này sang đời khác, từ người này sang người kia, miễn là đọc được thì đều là vô giá với chúng em” – em Chử Thị Hiền (THPT Thanh Miện – Hải Dương) chia sẻ.

Đó là còn chưa kể ở vùng sâu vùng xa, ở những huyện miền núi các em không chỉ thiếu thốn về phương pháp học mà thậm chí cơ sở vật chất thiều hoàn toàn. Chính vì cơ sở vật chất còn thiếu nên hầu hết các trường ở nông thôn thường học theo kiểu nặng về lý thuyết, hầu như không được thực hành.

… nhưng ở nông thôn lại sinh ra nhiều thủ khoa

Trong kì thi ĐH, CĐ năm 2012, hầu hết các thủ khoa đại học phần lớn là học sinh nông thôn. Trên hàng loạt các trang báo mạng như Dân trí, VnExpress, Vietnamnet có các bài viết về những thủ khoa xuất sắc đã vượt lên hoàn cảnh để vươn lên trong học tập.


Điển hình là trên Dân trí có bài “Thủ khoa nhà nghèo thích làm thầy giáo dạy Sinh” viết về trường hợp em Nguyễn Văn Tứ ở Quảng Nam đỗ thủ khoa ĐH Quảng Nam. Cuộc sống của gia đình Tứ gặp nhiều khốn khó. Ngôi nhà nhỏ bằng gạch chưa tô nằm sâu dưới chân núi An Cường, vào mùa mưa muốn tới nhà Tứ phải băng qua con sông Trầu nước chảy xiết vì trời mưa giông. Trong nhà, đồ đạc đơn sơ không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ kỹ và cái máy tính cũ của Tứ để trên bàn học. Tuy vậy năm nào em cũng là học sinh giỏi, vừa đỗ thủ khoa ĐH Quảng Nam với 26 điểm.

Hay trường hợp bạn Nguyễn Ngọc Thiện (THPT Thanh Miện – Hải Dương) là thủ khoa 29 điểm ĐH Ngoại Thương. Xuất thân từ gia đình nông nghiệp, lại sinh ra trên mảnh đất nghèo Vô Hối, em từ nhỏ đã tự biết hoàn cảnh của mình mà vươn lên trong học tập. Thiện ngày đêm chăm lo đèn sách để có thể đạt được mơ ước trở thành một nhà doanh nhân giỏi. Những cố gắng của em đã gặt hái được kết quả. Đạt thủ khoa một trường đại học “đỉnh” là bước đi đầu tiên của em trên con đường thoát nghèo và chắc chắn chàng thủ khoa nghèo sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Có lẽ điển hình, tiêu biểu nhất là trường hợp Lê Đức Duẩn ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Hiện em chỉ còn mẹ. Bố và anh trai của Duẩn đều bị chết vì ung thư, mẹ lại thường xuyên ốm đau. Đã 2 lần em suýt phải bỏ học vì nhà quá nghèo. Duẩn chỉ có 2 bộ quần áo đồng phục cho 2 mùa hè, đông. Xe đạp cọc cạch phải bó lốp vì không có tiền mua lốp mới. Lúc đầu, Duẩn thi vào Học viện An Ninh, nhưng vì chỉ nặng hơn 34 kg nên bị trượt. Sau em thi vào ĐH Dược HN và đỗ thủ khoa với 29 điểm. Sau việc học, em lại suốt ngày cần mẫn đan những rổ, rá và mò cua, bắt ốc bán lấy tiền giúp mẹ.

Những tấm gương tiêu biểu trên như một lời nhắc nhở đối với các bậc phụ huynh và các bạn học sinh sống ở thành phố về thái độ và phương pháp học của chính các bạn. Không ai kém cả, nhưng chính vì được sống trong một môi trường đầy đủ đôi khi sẽ không còn động lực để các bạn phát huy hết khả năng của mình. Phải làm sao để kết quả đạt được xứng đáng với những gì mình được nhận và không hổ thẹn với bạn bè cùng trang lứa.




    Blogger Comment
    Facebook Comment